Ý nghĩa thông số kỹ thuật của dầu nhớt
Chất lượng dầu nhớt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của động cơ xe. Vì vậy để lựa chọn đúng chủng loại và phù hợp với từng động cơ bạn cần nắm được các ký hiệu ghi trên dầu. Vậy các chỉ số trên chai nhớt có ý nghĩa như thế nào?
Các chỉ số trên chai nhớt cần lưu ý
Chỉ số độ nhớt SAE (Ký hiệu W)
Trên can dầu thường có các ký hiệu như: 20W50, 15W40, 10W40, 0W40, 0W30, 5W20, 0W20… thông số này cho biết về chủng loại nhớt, độ nhớt để có thể chọn lựa loại dầu phù hợp với các điều kiện khí hậu khác nhau.
Chỉ số đứng trước W (0W, 5W, 10W, 15W, 20W) thể hiện chỉ số nhiệt độ, lấy chỉ số này trừ cho 30 thì sẽ ra nhiệt độ môi trường mà dầu vẫn hoạt động bình thường. Ví dụ: Dầu Hera 10W40, dầu sẽ hoạt động bình thường khi nhiệt độ từ -20°C trở lên. Chỉ số đứng sau W là chỉ số độ nhớt tương ứng với độ đặc của dầu. Chỉ số này càng cao thì độ đặc của nhớt càng lớn, tốc độ chảy càng chậm. Nên dùng loại dầu có chỉ số độ nhớt theo khuyến cáo của nhà sản xuất để đảm bảo động cơ xe có thể hoạt động tốt nhất.
Phẩm cấp API
API (American Petroleum Institute) là chỉ số hiệu năng hay cấp chất lượng dầu nhớt. Đây là tiêu chuẩn chất lượng dầu nhớt của Mỹ được áp dụng rộng rãi quốc tế. Cấp chất lượng API giúp phân loại chất lượng của nhớt động cơ xăng
hoặc động cơ Diesel.
– API cho xe chạy động cơ xăng được ký hiệu “S”: SF, SG, SL, SM, SN;
– Đối với động cơ Diesel ký hiệu “C”: CD, CF-4, CH-4, CI-4.
– Các ký hiệu phía sau S,C dùng để phân biệt cấp chất lượng nhớt. Chúng được sắp xếp theo bảng chữ cái, chữ cái càng về sau thì chất lượng nhớt càng tốt. Phẩm cấp nhớt càng cao thì phụ gia càng nhiều và càng cao cấp.
Gốc dầu nhớt
Cái này thường được viết bằng chữ ở trên bao bì. Để thành dầu động cơ thì cần có sự kết hợp giữa dầu gốc cộng với các loại phụ gia. Vì thế dầu gốc rất quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng của dầu động cơ. Gốc dầu sẽ có 3 loại
Dầu gốc nhóm I: Dầu gốc khoáng (Synthetic), mức độ tạp chất còn nhiều (hàm lượng phân tử bão hòa <90% và/hoặc hàm lượng lưu huỳnh > 0.03%, chỉ số nhớt trong khoảng 80-120).
Dầu gốc nhóm II: Dầu gốc bán tổng hợp (Semi Synthetic) đây là loại gốc dầu loại bỏ gần như các loại tạp chất có trong dầu (hàm lượng phân tử bão hòa >90% và hàm lượng lưu huỳnh < 0.03%, chỉ số nhớt trong khoảng 80-120).
Dầu gốc nhóm III: Dầu gốc tổng hợp (Fully Synthetic) đây là loại gốc dầu tốt nhất đã được loại bỏ hoàn toàn các tạp chất có trong gốc dầu (hàm lượng phân tử bão hòa >90% và hàm lượng lưu huỳnh < 0.03%, chỉ số nhớt > 120).
Dầu gốc nhóm III là loại tốt nhất dành cho xe ô tô theo sau là nhóm II và I. Thông thường thì dầu có cấp độ nhớt (0W20, 5W20, 0W30, 5W30, 0W40, 5W40) là dầu có gốc tổng hợp, (10W40, 10W30) là dầu có gốc bán tổng hợp, (15W40, 20W50) là dầu gốc khoáng.
Chỉ số VHVI
Hãng dầu nào có ghi chỉ số VHVI này nghĩa là loại dầu đó có chỉ số độ nhớt cao cho sự vận hành của động cơ. Có thể hiểu đơn giản rằng khi xe phải hoạt động liên tục trong khoảng thời gian dài thì động cơ sẽ rất nóng, gây ảnh hưởng và thay đổi chỉ số độ nhớt của động cơ. Dầu có chỉ số VHVI cao thì độ nhớt ít bị thay đổi. Ví dụ: Trong điều kiện hoạt động giống nhau, cùng W40, nếu dầu có chỉ số VHVI cao thì chỉ số độ nhớt chỉ thay đổi xuống tầm 35, dầu có chỉ số VHVI thấp thì chỉ số độ nhớt có thể tụt xuống 20,10. Vậy nên VHVI càng cao thì chất lượng dầu càng tốt.